Giấy phép lái xe là gì ? Do cơ quan nào cấp?

Giấy phép lái xe hay còn gọi là bằng lái xe là một loại giấy tờ bắt buộc không thể thiếu khi bạn điều khiển phương tiện giao thông lưu thông trên đường. Bài viết này LaiXe.Xyz xin phép được nói rõ hơn về những qui định mới nhất về giấy phép lái xe mà bạn nên biết

Căn cứ pháp lý nào qui định về Giấy phép lái xe?


Dưới đây là 2 thông tư qui định về việc cấp bằng lái xe

Giấy phép lái xe là gì?

Giấy phép là gì? Giấy phép là Văn bản do cơ quan hành chính nhà nước cấp cho cá nhân, tổ chức để cho phép họ tiến hành một công việc hay nghề nghiệp nhất định. Có nhiều loại giấy phép như giấy phép kinh doanh, giấy phép xây dựng v.v...
Việc sử dụng và điều khiển phương tiện là xe cộ lưu thông trên đường bộ cũng nằm trong sự quản lý của cơ quan nhà nước, vì vậy người nào muốn điều khiển các loại phương tiện trên thì phải có Giấy phép lái xe. Tuy nhiên để có được giấy phép lái xe thì bạn phải học và trải qua trải qua kỳ thi sát hạch để kiểm tra trình độ và khả năng của bạn trong việc điều khiển phương tiện.
Như vậy, để dễ hiểu hơn thì Giấy phép lái xe được coi như là một loại bằng cấp, chứng chỉ do cơ quan nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một người cụ thể cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe hơi, xe tải, xe buýt, xe khách hoặc các loại hình xe khác trên các con đường công cộng sau khi họ đã trải qua sự kiểm tra đánh giá năng lực.

Giấy phép lái xe được phân hạng như thế nào? Thời hạn bao lâu?

Mỗi phương tiện giao thông đều được phân hạng riêng biệt tùy vào loại xe, dung tích xi lanh, trọng tải. Do đó giấy phép lái xe cũng được phân theo từng hạng xe tương ứng.
Vậy có bao nhiêu hạng bằng lái xe? Các hạng bằng đó được điều khiển xe gì ? Đó là những câu hỏi cũng được khá nhiều người quan tâm.
Tại Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT có qui định rõ về việc phân hạng giấy phép lái xe cụ thể như sau:

Giấy phép lái xe hạng A1

Hạng A1 cấp cho:
  • Người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3; 
  • Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.
  • Bằng lái hạng A1 không có thời hạn sử dụng.

Giấy phép lái xe hạng A2

Hạng A2 cấp cho:
  • Hạng A2 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
  • Bằng lái A2 cũng không có thời hạn sử dụng.
Như vậy Bằng A2 được lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 trở lên (hơn bằng A1 vì không bị giới hạn dung tích xy lanh xe 2 bánh)

Giấy phép lái xe hạng A3

Hạng A3 cấp cho:
  • Hạng A3 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô ba bánh (bao gồm xe lam và xe xích lô máy), các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.
  • Bằng lái hạng A3 cũng không có thời hạn sử dụng.
Như vậy nếu có bằng A3, ngoài việc được điều khiển xe mô tô 3 bánh, bạn còn được điều khiển xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3 (được quyền điều khiển những xe máy bình thường)

Giấy phép lái xe hạng A4

Hạng A4 cấp cho:
  • Hạng A4 cấp cho người lái xe để điều khiển các loại máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1.000 kg (1 tấn)
  • Bằng lái hạng A4 có thời hạn sử dụng là 10 năm, kể từ ngày cấp.

Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động (B11)

Hạng B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
  • Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
  • Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg (3,5 tấn);
  • Ô tô dùng cho người khuyết tật.
  • Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

Giấy phép lái xe hạng B1

Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
  • Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
  • Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg (3,5 tấn);
  • Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg (3,5 tấn).
  • Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

Giấy phép lái xe hạng B2

Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
  • Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
  • Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.
  • Bằng lái B2 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.

Giấy phép lái xe hạng C

Hạng C cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
  • Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên;
  • Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên.
  • Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2.
  • Bằng lái hạng C có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp

Giấy phép lái xe hạng D

Hạng D cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
  • Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
  • Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C.
  • Giấy phép lái xe hạng D có thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp.

Giấy phép lái xe hạng E

Hạng E cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
  • Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi;
  • Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và D.
  • Giấy phép lái xe hạng E có thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp.
Lưu ý: Người có giấy phép lái xe các hạng B1, B2, C, D và E khi điều khiển các loại xe tương ứng được kéo thêm một rơ moóc có trọng tải thiết kế không quá 750 kg.

Giấy phép lái xe hạng F

Bằng lái xe hạng F được chia thành 4 hạng FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp.
Hạng F cấp cho người đã có giấy phép lái xe các hạng B2, C, D và E để điều khiển các loại xe ô tô tương ứng kéo rơ moóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750 kg, sơ mi rơ moóc, ô tô khách nối toa, được quy định cụ thể như sau:
- Hạng FB2 cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng B2 có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1 và hạng B2;
- Hạng FC cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng C có kéo rơ moóc, ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và hạng FB2;
- Hạng FD cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng D có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D và FB2;
- Hạng FE cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng E có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe: ô tô chở khách nối toa và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FD.
Lưu ý:
  • Hạng giấy phép lái xe sử dụng cho người lái xe ô tô khách giường nằm, ô tô khách thành phố (sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt) thì cần có bằng hạng D và E.
  • Số chỗ ngồi trên xe được tính theo số chỗ trên xe ô tô khách cùng kiểu loại hoặc xe ô tô có kích thước giới hạn tương đương chỉ bố trí ghế ngồi.

Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe?

Về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe, Điều 29 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định vấn đề này như sau:
Điều 29. Cơ quan quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe
1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý về sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước; Vụ Quản lý phương tiện và Người lái là tổ chức tham mưu giúp Tổng Cục trưởng thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe (gọi là cơ quan quản lý sát hạch).
2. Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng được giao nhiệm vụ quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là tổ chức tham mưu giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe (gọi là cơ quan quản lý sát hạch).
Như vậy, hiện tại có 02 cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép lái xe đó là:

  • Tổng cục Đường bộ Việt Nam: theo đó, cơ quan này có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước và những đối tượng thuộc quyền quản lý của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Người có hộ khẩu ngoài tỉnh vẫn có thể tham gia kỳ thi sát hạch ở bất kỳ tỉnh nào khi có nhu cầu để được cấp Giấy phép lái xe thông qua Tổng cục Đường bộ Việt Nam. 
  • Sở Giao thông vận tải: cơ quan này có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Người có hộ khẩu thường trú của tỉnh, thành phố trực trược Trung ương nào thì sẽ được Sở Giao thông vận tải của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của nơi đó cấp Giấy phép lái xe khi có nhu cầu.
Chuyên Mục :
tháng 5 23, 2020
Bình Luận

LaiXe.Xyz

Blog Lái Xe, chia sẻ thông tin về luật giao thông đường bộ, biển báo giao thông, thông tin về xe ô tô, thi bằng lái xe các hạng bằng A1, A2, B1, B2, C, D, E, F

Thi Thử Lái Xe B2 Mới Nhất

"Tiến hành giảng dạy bộ 600 câu hỏi vào tháng 06/2020 và áp dụng thi sát hạch vào tháng 10 năm 2020. Bộ đề 600 câu hỏi sẽ được phát hành dạng sách khoảng tháng 5/2020."

DMCA.com Protection Status