Xem thêm bài viết Các loại giấy phép lái xe ô tô hiện nay tại Việt Nam.
Doanh nghiệp gặp khó vì thiếu lái xe có kinh nghiệm
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, theo quy định hiện hành, lái xe đến 27 tuổi mới được cấp GPLX hạng E và đến 55 tuổi không được hành nghề với GPLX hạng này nữa. Tuổi lao động của hạng bằng này chỉ kéo dài 28 năm, thấp hơn nhiều so với các hạng GPLX khác (được hành nghề trong khoảng từ 18 - 60 tuổi).
“Thực tế, lái xe lớn tuổi có kinh nghiệm thường nền tính hơn, đảm bảo an toàn hơn, nhất là vận tải sức chứa lớn như vận tải hành khách công cộng. Hơn nữa, việc tuyển dụng lái xe cho loại hình vận tải này hiện rất khó do đặc thù công việc.
Vì vậy, trong bối cảnh độ tuổi lao động ở Việt Nam đang tăng, việc nâng tuổi tối đa của người lái xe bằng E lên 60 tuổi sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng nguồn lao động có kinh nghiệm”, ông Thông nói.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc Công ty CP Xe điện Hà Nội cho biết, hàng năm đơn vị buộc phải cho những lái xe hạng E đến tuổi 55 nghỉ làm theo quy định. Tuy nhiên, thực tế khi đi kiểm tra, sức khỏe nhiều lái xe vẫn rất tốt, việc họ phải nghỉ rất lãng phí.
“Chúng tôi mong muốn tăng tuổi lái xe hạng E lên 60 tuổi, bởi hiện tại tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã nâng lên. Độ tuổi 55 - 60 đều là những người làm nghề lâu năm. Hiện, chúng tôi tuyển dụng lái xe hạng E khó vì quy định độ tuổi như trên. Hơn nữa, chúng tôi có quy định kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, những lái xe không đủ sức khỏe sẽ buộc phải nghỉ”, ông Hồng nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, đề xuất của Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cũng là khó khăn chung của ngành vận tải hiện nay. Số lượng lái xe có GPLX hạng E và FC (lái xe đầu kéo sơ-mi rơ-moóc) đang thiếu và việc tuyển lái xe cũng rất khó. Rất nhiều doanh nghiệp muốn tuyển lái xe hạng này nhưng không có.
Theo ông Quyền, tuổi hành nghề tài xế có GPLX hạng E cần được nâng lên 60 đối với nam hoặc hơn thế. Bởi, quy định độ tuổi đối với lái xe trên 30 chỗ ngồi (hạng E) không quá 55 đối với nam, không quá 50 đối với nữ đã được quy định từ Luật GTĐB 2001 đến Luật GTĐB 2008.
“Hơn 10 năm qua, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam nâng cao so với trước, điều kiện sức khỏe cũng cải thiện. Hơn nữa, thời gian qua, tuổi nghỉ hưu của người lao động đã điều chỉnh nâng lên”, ông Quyền nói.
Dẫn chứng cụ thể, ông Quyền cho biết, một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn cho những người 65, thậm chí 70 tuổi lái loại xe có sức chứa hơn 30 ghế, nhưng những người ở độ tuổi cao này sẽ phải tuân theo chu kỳ khám sức khỏe rút ngắn lại, khoảng 6 tháng/lần.
“Còn tại Việt Nam, theo quy định, tài xế sẽ kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 năm/lần. Do đó, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm của các nước trên, nới tuổi hành nghề cho lái xe và rút ngắn lại thời gian kiểm tra sức khỏe đối với những người được nâng tuổi”, ông Quyền nói.
Có thể nâng tuổi lái xe lên 60 - 62 tuổi
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, tại Dự thảo sửa đổi Luật GTĐB năm 2008, Bộ GTVT cũng kiến nghị nâng tuổi lái xe theo xu hướng sửa đổi của Luật Lao động. Nghĩa là từ năm 2021 trở đi, nam sẽ được kéo dài thêm 3 tháng/năm, nữ kéo dài thêm 4 tháng cho đến khi nam tròn 62 tuổi, nữ tròn 60 tuổi.
“Theo đó, từ năm 2021, tuổi hành nghề của lái xe GPLX hạng E có thể được kéo dài tối đa đến 62 tuổi, nếu đảm bảo sức khỏe”, ông Thạch cho hay.
Trong khi đó, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, Luật GTĐB năm 2008 quy định độ tuổi đối đa người được lái xe khách là 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ.
Với giới hạn về độ tuổi được phép điều khiển ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi quy định tại Luật và người có GPLX hạng E phải đầu tư thời gian, chi phí học nghề nhiều hơn đối với phương tiện khác.
Bên cạnh đó, thời gian sử dụng lao động ngắn dẫn đến tình trạng ngày càng ít người học, sát hạch cấp GPLX hạng E. Điều này tác động đến hoạt động kinh doanh vận tải xe khách do khan hiếm nguồn nhân lực.
“Trong phương án sửa Luật GTĐB tới đây, Tổng cục Đường bộ VN đề xuất tăng độ tuổi tối đa của lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ theo hướng điều chỉnh theo tuổi lao động. Có nghĩa là đối với nam tăng lên 62 tuổi và 60 tuổi đối với nữ theo đúng lộ trình của Bộ luật Lao động. Điều này giúp tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, là định hướng để các nhà đầu tư đưa ra kế hoạch tuyển dụng nhân sự, góp phần xây dựng chiến lược hoạt động kinh doanh”, ông Thống cho biết.
Tài xế càng cao tuổi càng có kinh nghiệm
Hiện, chúng tôi có khoảng 600 phương tiện hoạt động trên nhiều tuyến từ TP HCM đi các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên, miền Trung. Trong đó, có khoảng 300 tài xế phục vụ các phương tiện 30 chỗ ngồi. Việc nâng tuổi lái xe từ 55 lên 60 hoàn toàn hợp lý.
Bởi tuổi nghỉ hưu đã được nâng lên trên 60 tuổi, sức khỏe của người lái xe cũng được nâng lên, vì vậy việc nâng tuổi lái xe không có vấn đề gì. Những người lái xe có tuổi sẽ cẩn thận hơn, doanh nghiệp, xã hội cũng tận dụng được những tài xế đã được đào tạo tốt, có kinh nghiệm lâu năm.
Phan Tư (Ghi)
Anh Hà Thanh Nhàn, tài xế chuyên chạy xe khách tuyến TP HCM - Cần Thơ: Nên căn cứ vào sức khỏe của từng lái xe
Việc điều chỉnh độ tuổi của tài xế có bằng E từ 55 lên 60 tuổi cũng hợp lý, nhưng phải căn cứ vào tình hình sức khỏe tại thời điểm đó. Chẳng hạn như hiện nay, tài xế có bằng E sau khi đến 55 tuổi phải đi kiểm tra sức khỏe lại.
Nếu sức khỏe tốt, như mắt không bị mờ có thể xem xét cho kéo dài thời gian lái bằng E. Trường hợp sức khỏe không đảm bảo, nên xem xét hạ xuống bằng D để chạy những xe nhỏ hơn. Bởi, việc chở những xe trên 30 chỗ ngồi với hàng chục tính mạng phía sau đòi hỏi phải có sự kiểm soát chặt chẽ.
Phan Tư (Ghi)
Ông Nguyễn Ngọc Lợi, Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo lái xe ô tô - mô tô Đà Nẵng: Tài xế có kinh nghiệm sẽ hạn chế chạy ẩu
Tôi rất đồng tình với việc tăng độ tuổi lao động của tài xế lái xe khách trên 30 chỗ ngồi (GPLX hạng E) từ 55 lên 60 tuổi. Tài xế lớn tuổi có kinh nghiệm, lái xe cẩn thận hơn những tài xế trẻ. Sự điềm tĩnh của những tài xế lớn tuổi cũng hạn chế đến mức tối đa những vụ ẩu đả nếu vượt xe, xảy ra va chạm trên đường.
Tôi đã 64 tuổi vẫn lái xe hạng E bình thường, nhưng luật không cho nên mình không lái nữa. Quan trọng là sức khỏe, việc này đã có quy định là tài xế xe khách phải kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Thực tế các nước châu Âu người lái xe du lịch đều là người có tuổi chứ không phải người trẻ lái. Đơn cử, tất cả xe buýt của các nước Hà Lan, Pháp, Ý... đều là người có kinh nghiệm lâu năm lái.
Vĩnh Nhân (Ghi)
Tài xế Phạm Ngọc Nhân (SN 1975):Cần nghiên cứu kỹ
Tôi đã có kinh nghiệm 20 năm lái xe nên rất hiểu các kỹ năng lái xe trên đường. Tài xế có tuổi nghề lâu năm thì kinh nghiệm xử lý và độ chững chạc có thừa.
Tuy nhiên, khi sát nút 60 tuổi, sự nhanh nhẹn trong quan sát và xử lý tình huống không còn như trước nên rất nguy hiểm khi lái xe đường dài như các xe khách cỡ lớn. Do đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ trước khi nâng tuổi lái xe khách trên 30 chỗ.
Vĩnh Nhân (Ghi)